WAT ARUN – NGÔI CHÙA CỔ KÍNH NHẤT BANGKOK THÁI LAN

Wat Arun là phiên âm của chữ วัดอรุณ. วัด /wắt/ có nghĩa là chùa, อรุณ /a-run/ có nghĩa là bình minh. Wat Arun được dịch sang tiếng Việt là Chùa Bình Minh.

Ngôi chùa bắt nguồn từ tên của vị thần Hindu Aruna, thường được nhân cách hóa như ánh sáng mặt trời mọc. Tọa lạc trên bờ tây sông Chao Phraya (Thonburi) thơ mộng, nơi này được xem là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất của Bangkok. Không chỉ nổi tiếng về sự linh thiêng bậc nhất tại Thái Lan, với kiến trúc độc đáo Wat Arun trở thành “địa điểm sống ảo” được yêu thích bởi du khách khắp nơi trên thế giới.

Sơ lược lịch sử ngôi chùa lâu đời nhất xứ sở Chùa Vàng

Thuở sơ khai, ngôi chùa này có tên là Wat Makok (วัดมะกอก) dựa trên tên của ngôi làng Bang Makok nơi mà nó được xây dựng. Theo nhà sử gia Hoàng tử Damrong Rajanubhab, ngôi chùa đã được hiển thị trong các bản đồ của Pháp từ thời trị vì của vua Narai (1656–1688).

Sau đó được khôi phục và đổi tên thành Wat Jang (วัดยาง) bởi Taksin Đại Đế trong một chuyến đi dạo và ông vô tình bị “hớp hồn” bởi cảnh sắc bình minh tuyệt vời ở nơi này. Taksin Đại Đế là quốc vương duy nhất của Vương Quốc Thonburi, nhà lãnh đạo tài ba, vị chiến binh uy mãnh đóng vai trò chủ chốt trong trận đánh lớn với quân Miến Điện giải phóng Xiêm La vào cuối năm năm 1767. Jang (ยาง) có nghĩa là cao su, nhưng ở đây được dùng để chỉ sự sạch sẽ, sáng sủa của buổi bình minh hôm ấy.

Taksin Đại đế (tiếng Thái: สมเด็จพระเจ้าตากสินมหาราช) (1734 – 1782) (Cre: Internet)

Dưới thời trị vì của vua Taksin, ngôi chùa nằm trong khuôn viên của cung điện hoàng gia, trước khi người kế vị của ông, vua Rama I (1782–1809), dời kinh đô về Băng Cốc và xây dựng một ngôi chùa mới có tên là chùa Phật Ngọc. Vua Rama I cũng đã mang tượng thần chính của Wat Jang về đặt cạnh chùa Phật Ngọc của mình. Từ đó, chùa Wat Jang bị bỏ hoang cho đến thời trị vì của vua Rama II (1809–1824), người đã cho trùng tu lại ngôi chùa và bắt đầu kế hoạch mở rộng chiều cao của nó. Sau chín năm tiếp tục công việc xây dựng dưới thời trị vì của vua Rama III (1824–1851), ngôi chùa được hoàn thành vào năm 1851. Đến đời vua Rama IV, ngôi chùa được trang trí lại bằng sứ và tượng thần cũng được mang trở lại ngôi chùa này. Vua Rama IV an táng vua Rama II tại đây và đổi tên chùa thành Wat Arun.

Tượng đài Vua Rama II trong Wat Arun

Trải qua thêm nhiều đợt trùng tu lớn dưới thời trị vì của vua Chulalongkorn (Rama V, 1868–1910) và đợt đại trùng tu từ năm 2013 đến năm 2017, diện mạo mới của ngôi chùa gặp phải vô số lời chỉ trích vì nó dường như bị “tẩy trắng” hoàn toàn so với trạng thái trước đây. Nhưng Cục Mỹ thuật (The Fine Arts Department) đã nhanh chóng lên tiếng bảo vệ tác phẩm và khẳng định rằng ngôi chùa được hoàn thành cẩn thận để phản ánh diện mạo ban đầu của nó.

Đôi nét về kiến trúc

Wat Arun là một ngôi chùa theo phong cách Khmer với bốn prangs (พระปรางค์ /pra-prang/ ~ tòa tháp) (hay còn được gọi là Prasat) và một prang lớn hơn ở giữa. Bố cục này là đại diện của năm ngọn núi thiêng, nơi cư ngụ của các vị thần theo vũ trụ học của người Khmer, Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Prang trung tâm là cây đinh ba bảy ngạnh (mà theo nhiều nguồn gọi là “Cây đinh ba của thần Shiva”), tượng trưng cho Núi Meru, trung tâm của vũ trụ.

Prang trung tâm

Trong Phật giáo, prang trung tâm được coi là có ba cấp độ biểu tượng: phần dưới cho Traiphum – tượng trưng cho tất cả các cảnh giới của sự tồn tại, phần giữa cho Tavatimsa – tượng trưng cho nơi mọi ham muốn được thỏa mãn và phần đỉnh cho Devaphum – tượng trưng cho sáu phương trời trong bảy cảnh giới hạnh phúc.

Xung quanh chân tháp có nhiều hình tượng khác nhau của binh lính và động vật Trung Quốc cổ đại. Trên sân thượng thứ hai là bốn bức tượng của vị thần Ấn Độ giáo Indra cưỡi trên Erawan. Ở ven sông là sáu gian hàng (sala) theo phong cách Trung Hoa. Các gian hàng được làm bằng đá granit xanh và có cầu hạ cánh.

Bên cạnh prang là Sảnh lễ nghi với tượng Phật Niramitr được cho là do vua Rama II thiết kế. Lối vào phía trước của Sảnh Lễ Truyền Chức có mái nhà với một chóp trung tâm, được trang trí bằng gốm màu và vữa xtucô được bọc bằng sành màu. Bên trong, có một bàn thờ lớn được trang trí bằng đá cẩm thạch màu đỏ, xám và trắng. Có hai con quỷ hoặc hình người bảo vệ đền thờ ở phía trước. Các bức tranh tường được tạo ra dưới thời trị vì của vua Rama V.

Trước đây du khách được phép leo lên cao ở tháp trung tâm chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sông Chao Phraya, cung điện Hoàng Gia Thái Lan và đền Wat Pho, tuy nhiên hiện tại thì đã bị chặn lại. Thay vào đó, bạn có thể đi bộ khoảng 100m để bắt water bus sang bên kia sông, nơi có rất nhiều quán nước rooftop với view thoáng đãng, tuyệt vời cho việc ngắm nhìn Wat Arun chìm trong ánh hoàng hôn.

Eagle Nest Rooftop Bar
Hoàng hôn ở Eagle Nest Rooftop Bar

Một xíu thông tin cần thiết khác

Giá vé vào cổng của Wat Arun100 Bath (khoảng 68.000 VND)/ người (có kèm một chai nước nhỏ). Chùa mở cửa hằng ngày từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối để đón du khách tham quan và viếng chùa.

Mình đến tham quan chùa vào tầm 3-4 giờ chiều, nắng khá gắt nhưng bù lại là chụp được những shoot hình màu sắc rất đẹp. Ngoài ra thì vào giờ đó cũng vắng du khách, rất thuận tiện cho việc sống ảo mà không sợ bị dính người.

Vì chùa là nơi linh thiêng, nên có một số điều bạn cần lưu ý khi tham quan Wat Arun nhé:

  • Không được diện đồ ngắn trên gối để giữ gìn sự tôn nghiêm. Nếu vô tình hôm đó bạn mặc đồ ngắn thì cũng đừng quá lo, vì có thể thuê khăn quấn ở cửa hàng thuê trang phục nhé.
  • Không nên chụp hình với những tư thế phản cảm như bay, nhảy,… Nếu không, bạn sẽ bị đội bảo vệ yêu cầu xuất trình và xóa ngay lập tức những hình ảnh bạn vừa chụp đấy.
  • Không gây ồn ào hoặc lớn tiếng đùa giỡn, chạy nhảy ở trong khuôn viên chùa.
  • Không hút thuốc.
  • Không vứt rác bừa bãi.

Một số hình ảnh còn sót lại

My friends a.k.a my models

Cô pé Lucy

Chú pé Nathan
Me :))

Lời kết

Việc mở cửa quốc tế chắc sẽ sớm được thực hiện và bạn sẽ lại được vi vu khắp nơi. Nếu Thái Lan là địa điểm du lịch sắp tới của bạn, hãy một lần ghé thăm ngôi chùa cổ kính này nhé. Hy vọng những thông tin chia sẻ tí teo này của mình sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm tuyệt vời tại đây.

Bài review đến đây là hết òiiiiii. See you next trip nhe >D<

From Anh Trần with Love ♥️

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *